Giải ảnh du lịch Royal Geographical Society: Vui phượt xa không quên chụp ảnh
Đoạt giải ở hạng mục “Ảnh đơn sắc” là album người lái đò trên sông Trường Giang (Trung Quốc) của anh Jino Lee người Singapore. Lúc còn trẻ, Jino là một nhạc sĩ, sau đó anh chuyển sang làm… kỹ sư, rồi mới bỏ nghề để học nhiếp ảnh. Jino đam mê đi du lịch, và tuy gia nhập làng nhiếp ảnh khá trễ, tài năng của Jino đã giúp anh trở thành giáo viên của hội ảnh Canon ở Singapore.
Năm nay, mục “Câu chuyện hoang dã” có nhiều nhiếp ảnh gia xuất sắc quá nên ban giám khảo trao giải cho 2 người thay vì 1. Đầu tiên là anh Jasper Doest, người Netherlands, với series chụp cảnh khỉ tuyết tắm suối nước nóng ở Nhật Bản (nghe đâu đây là loài khỉ sạch nhất thế giới). Jasper yêu động vật và thiên nhiên, anh nổi tiếng với những tấm ảnh chụp động vật rất tao nhã.
Người thứ 2 thắng ở mục “Câu chuyện hoang dã” là anh Johnny Haglund người Na-uy. Johnny là người chuyên đi du lịch phượt hơn là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Bộ ảnh chụp gia đình hành nghề săn cá sấu tại Mỹ của Johnny không nhẹ nhàng như ảnh chụp khỉ tuyết của Jasper, nhưng nó trực tiếp, chân thực, cho người xem thấy được hiện trạng cuộc sống của những ai đang kiếm cơm bằng nghề săn bắn tại các vùng hẻo lánh hơn ở nước Mỹ.
Với bộ ảnh chụp các cô cậu bé chơi trượt ván skateboard tại một nhà kho bỏ hoang ở Kolkata, Ấn Độ; anh Gavin Gough đứng nhất trong hạng mục “Loại hình văn hoá mới & loại hình văn hoá đang mai một”. Gavin là người Anh, nhưng bỏ xứ qua Thái Lan định cư. Giống Johnny, Gavin chuyên đi du lịch bụi, còn cái máy ảnh chỉ là công cụ hỗ trợ. Nhưng tài năng và lòng yêu thích các nền văn hoá khác nhau đã biến Gavin thành nhiếp ảnh gia cho nhiều tổ chức nhân đạo, tổ chức từ thiện phi lợi nhuận.
Tác giả bức ảnh chụp thành phố New York này là Tom Pepper của xứ sương mù. Tom là sinh viên… trường Y, không có ý định bỏ nghề bác sĩ, nhưng khoái làm nhiếp ảnh gia nghiệp dư khi rỗi. Lúc Tom thực tập tại New York, mỗi lần không phải trực ở bệnh viện là anh vác máy ảnh đi chụp hình, series về New York đã giúp Tom giành giải nhất cho hạng mục “Tài năng mới.”
Bé Johnathan Rystrom, 14 tuổi, thắng giải “Nhiếp ảnh gia trẻ”, là người Đan Mạch với series chụp thành phố Dubrovnik, Croatia. Em bắt đầu khoái nhiếp ảnh khi ông nội đưa em đi du lịch châu Phi vài năm trước đây. Johnathan chụp series này bằng cái máy ảnh DSLR mượn của bố; khi lớn, em muốn làm luật sư, lý do là để kiếm nhiều tiền hòng mua một chiếc máy camera thật xịn!
Thắng ở hạng mục “Dưới 14 tuổi” là bé Patria Prasasya 10 tuổi người Indonesia, với series chụp hoạt động của một vương quốc kiến. Yêu khoa học tự nhiên, nhiếp ảnh, và… cờ vua; cô bé phải sắp xếp thời gian để nghiên cứu cả 3 thứ. Ước mơ của bé là “Đi khắp nơi để chụp ảnh và khoe mọi người”
Vậy người thắng giải danh giá nhất “Nhiếp ảnh gia du lịch của năm”, là ai? Là Timothy Allen người Anh. Timothy lấy bằng cử nhân Động vật Học tại Leeds University, nhưng vừa tốt nghiệp xong là anh sang Indonesia (cũng như các nước lân cận) du lịch. Mê du lịch quá, anh quăng xừ bằng cấp của mình và ngao du sơn thuỷ trong 3 năm. Anh chụp ảnh trong mỗi chuyến đi, rồi dần dà anh nghiện nhiếp ảnh lúc nào không hay. Hiện nay Timothy làm việc cho tờ Telgraph, Independent, và hãng Axiom Photographic. Anh thắng giải nhờ 3 series xuất sắc: chụp đền thờ Hồi giáo đắp bằng bùn ở Djenne, Mali (trong ảnh), cuộc sống của tộc người Dogon, Châu Phi, và cuộc sống của người Bhutan.
Sẽ có bài riêng về Timothy và các bộ ảnh của anh trong thời gian sớm nhất có thể. Trong lúc chờ, ai đấy đang ngứa ngáy tính đi du lịch thì nhớ hãy chụp nhiều ảnh đẹp nhé!
Như đã hứa! (cập nhật bộ ảnh của Timothy)
Timothy Allen: ai dễ gây thiện cảm mới dễ chụp ảnh khi du lịch
Như đã hứa, đây là bài tổng hợp để các bạn tìm hiểu thêm về nhiếp ảnh gia Timothy Allen – người đoạt giải cao nhất trong cuộc thi ảnh du lịch năm 2013. Anh Timothy làm việc cho mục “Human Planet” của đài BBC cũng như nhiều tờ báo nổi tiếng khác của xứ sương mù, là người có biệt tài chụp hình những cá nhân sống biệt lập và các bộ lạc hẻo lánh, bí quyết của anh là gì?
“Nói nôm na thì, tôi chẳng phải týp người có thể ‘cầm máy ảnh xông pha’ vào mọi tình huống. Tôi thường cảm thấy rất khó xử khi phải chụp ảnh người nào đó nếu anh ta/cô ta không cho phép trước.” Timothy giãi bày.
“May mắn thay, tôi thật tình say mê (và muốn tìm hiểu về) cuộc sống của người khác ngay cả lúc tôi không chụp ảnh, và tôi nghĩ họ biết được điều đó khi ở bên tôi. Nếu cảm nhận rằng có người nào không tin tưởng mình thì tôi sẽ không tự động chụp ảnh họ làm gì, bởi sự nghi ngờ chẳng phải là thứ cảm xúc mà tôi muốn thể hiện trong tác phẩm mình chụp nên…”
Vì bản tính dễ hòa đồng, dễ gây thiện cảm, Timothy có thể du lịch đến
khắp nơi và chụp lại các bộ lạc/các tộc thiểu số, cũng như những nền
văn hóa ít người biết tới. Timothy gửi 4 series ảnh cho hội đồng chấm
giải ảnh du lịch, trong đó gồm 2 series màu và 2 series đen trắng.
Series chụp cô Emma ở Wales là series màu đầu tiên, Timothy kể “Hai
tháng trước tôi vác ba-lô đến một vùng hẻo lánh nằm ở phía Tây xứ Wales
để chụp cô Emma Orbach. Người phụ nữ 59 tuổi này đã sống một mình trong
khu rừng biệt lập được hơn 13 năm. Cô nói với tôi rằng sau khi tôi công
bố series ảnh trên các phương tiện truyền thông, mấy nhà sản xuất của sô
nào đó đã mời cô tham gia vào chương trình của họ. Và tôi mừng vì cô đã
từ chối.”
Series màu tiếp theo của Timothy là series chụp người dân Bhutan, anh kể về lý do mình khăn gói đến vùng đất này “Tôi nói thật nhé. Tôi đến Bhutan vì tôi đã thử đánh lên ô tìm kiếm của Google ‘quốc gia nào là đất nước hẻo lánh nhất trên thế giới’. Cái này dẫn đến cái kia để rồi cuối cùng tôi bỏ ra cả năm trời chu du từ vùng Kashmir thuộc phía Tây Himalaya đến Nagaland ở phương Đông xa xôi. Chuyến đi đó đã hâm nóng niềm đam mê của tôi với cuộc sống thêm lần nữa, bởi quả thật là thế giới này có rất nhiều người đáng mến.”
Series tiếp theo anh gửi cho hội đồng giải du lịch là series đen trắng, chụp lại hoạt động đắp bùn cho đền thờ Hồi Giáo (xây bằng bùn) ở Djenne, Mali. Anh kể “Thành phố bùn huyền thoại của đế chế Mali. Tôi chụp hình ngay vào dịp tu sửa thường niên của ngôi đền vĩ đại ở Djenne, nó là một kiến trúc tuyệt vời, vươn cao sừng sững qua khỏi các mái nhà trong thành phố và xây hoàn toàn từ bùn và gỗ cọ…
…Nói cho cùng thì tôi cũng có vài kinh nghiệm với mấy kiểu lễ hội vương vãi bùn đất. Tuy nhiên, chưa lễ hội nào từng hấp dẫn tôi vì cái “uy tín” lấm bùn đặc trưng của nó, nhất là khi công việc chụp ảnh yêu cầu bạn phải mang theo một mớ ống kính bóng loáng đắt tiền (nhân tiện nói thêm, tôi nhận ra rằng đem theo một bộ đồ nghề lau chùi máy ảnh luôn hữu ích).”
Tiếp đến, Timothy khăn khói đi gặp bộ lạc Dogon và chụp series thứ 4.
“Chúng tôi là khách mời của bộ tộc Dogon, và họ đặt ra nhiều luật lệ
rất nghiêm ngặt. Chúng không chỉ là những luật thực tế như tiết kiệm
nước hay vắt giò chạy về nhà khi bạn thấy đám bụi vàng xuất hiện ở đường
chân trời. Có những điều luật thuộc về tâm linh tại đây. Chụp hình bộ
tộc Dogon quả thật rất thú vị. Các con đường xuyên suốt ngôi làng thì
ngổn ngang đá, thật chẳng thích hợp để dân du lịch đi qua đi lại mỗi
ngày hòng chụp ảnh, đặc biệt nếu bạn là phụ nữ thì càng mệt – một điều
cô bạn Cecilia chung đoàn với tôi đã nếm trải trong nhiều trường hợp.
Người dân liên tục hét “sacre!” để cản bước cô. Phụ nữ không được vào
đó! Mấy tảng đá kia là đá thiêng… mấy tảng khác thì được… Đừng đụng vào
bó gỗ… Không được dùng đuốc ở một số khu vực sau khi trời tối.”
Xem xong hình có ai muốn lần đến nơi xa xôi, nơi dính bùn, và nơi xài toilet tự đào để chụp ảnh không nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét