Thành phần nhà tổ chức và điều hành buổi họp báo (từ trái qua phải): Nhà báo Chu Minh Vũ, chị Vũ Quỳnh Anh – giám đốc truyền thông, ông Đỗ Ngọc Minh – chủ tịch DX Group, nghệ sĩ Nguyễn Xuân Huy trong vai trò dàn dựng dàn nhạc, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng – cố vấn dàn nhạc, nghệ sĩ Nguyễn Khắc Thành – bè trưởng dàn nhạc.
LUALA GIAO HƯỞNG THU ĐÔNG 2011
Chương trình hòa nhạc giao hưởng cho công chúng thủ đô
Từ 11. 11. 2011 đến 15. 1. 2012
Thời gian: các ngày thứ Bảy (từ 15h- 17h) và Chủ nhật (10h-12h và 15h-17h)
Khai mạc chính thức: thứ Sáu, 11. 11. 2011, 17h
Địa điểm: LUALA, 61 Lý Thái Tổ, Hà Nội
LUALA Concert là dự án âm nhạc cộng đồng do Âm Thanh Giá Kho DXaudio cùng nhà xuất bản âm nhạc (Dihavina) đứng ra tổ chức.
Với mục tiêu mang âm nhạc cổ điển đến với đông đảo người dân thủ đô, dự án sẽ được trình diễn hoàn toàn miễn phí vào thứ bảy (từ 15h – 17h) và Chủ Nhật (10h-12h và 15h-17h) trong hai tháng 11 và 12 năm 2011.
Dàn nhạc được trình diễn ngoài trời ở trước cửa nhà xuất bản Âm nhạc (61 Lý Thái Tổ, Hà Nội).
Dưới đây là một số câu hỏi (của các phóng viên) và câu trả lời (của ban tổ chức), mời các bạn đọc để rõ thêm về chương trình này:
Ông Đỗ Ngọc Minh – chủ tịch DX Group
Phóng viên Ngô Bá Lục (Báo Vnmedia Online): Chương trình này miễn phí thì không biết các nhà tài trợ sẽ theo được đến bao lâu?
Ông Đỗ Ngọc Minh: Hiện giờ chúng tôi muốn làm những chương trình kéo dài và có tính chất thường xuyên. Về kinh phí thì chúng tôi đã có nguồn tài chính để lo cho vấn đề này. Có một vấn đề chúng tôi hơi lo ngại, đó là không biết chương trình kéo dài được bao lâu, nhưng cái đó không phụ thuộc vào tài chính mà tùy thuộc vào sự hưởng ứng của công chúng, của các nghệ sĩ và truyền thông, họ sẽ xem những chương trình này có hay ho hay không sau mùa đầu tiên, từ tháng 11 năm 2011 đến tháng 1 năm 2012. Sau đó chúng tôi sẽ cân nhắc tiếp, nhưng chúng tôi rất mong đó thành một chương trình thường xuyên một năm hai lần vào mùa Xuân Hạ và Thu Đông.
Phóng viên Hà Tùng Long (Báo Gia đình & Xã hội): Tên của đêm nhạc là LUALA (lụa là), nhưng các tác phẩm biểu diễn đều là của các nghệ sĩ thế giới, vậy nó liên quan gì đến cái tên “lụa là” nghe rất Việt Nam?
ĐNM: Cái tên LUALA là tên của thương hiệu LUALA. Đó không chỉ là cửa hàng thời trang mà chúng tôi muốn nó trở thành nơi diễn ra các dự án nghệ thuật, từ sắp đặt đương đại đến hội họa, nhạc thử nghiệm… Dự án nhạc cổ điển này là dự án cộng đồng đầu tiên của LUALA. Chúng tôi cũng mong về sau có nhiều dự án khác được mang tên LUALA. Đó là tôn chỉ mục đích của LUALA.
Hỏi: Các anh chọn thời gian sáng và chiều không phải thời gian để cho mọi người thưởng thức? Cái sảnh đó thì đẹp nhưng hơi hẹp và lượng người nghe không được đông lắm. Phải chăng đó là vì nó cạnh cửa hàng LUALA? Gần đây có vườn hoa con cóc rất là đẹp từng tổ chức nhạc Jazz ở đó và mọi người rất thích?
ĐNM: Trước mắt là dự án diễn ra trước cửa LUALA vì có nhiều thuận lợi về quản lý vỉa hè và xây dựng thương hiệu. Khi ra vỉa hè như vậy thì rất là thoải mái, có thể chuyển dịch địa điểm được. Người xem cũng là những người đi qua đường, có thể là những người biết mà đến, không cần gì đó cố định.
Xin nói thêm là ý tưởng này được hình thành từ đợt tôi đi du lịch châu Âu. Tôi rất thích những các bối cảnh ở Pháp có nhiều quảng trường to và nhỏ có rất nhiều người chơi nhạc. Có những nhạc công đường phố sống bằng nghề chính là đánh đàn dạo, có những sinh viên đi thực tập, có những chỗ mà có cả những dàn nhạc tiếng tăm như dàn nhạc giao hưởng Paris chẳng hạn, thường xuyên có những buổi hòa nhạc ngoài trời trong không gian mở. Ở Việt Nam thì thường hay nghĩ rằng nhạc cổ điển là cái gì đó rất xa vời và trang trọng… Đó chính là lý do mà tôi muốn đưa hình thức concert khác vào nhạc cổ điển và có thể diễn ra bất cứ chỗ nào. Quan trọng là ý tưởng nhạc cổ điển có thể đến với bất cứ ai, bất cứ đâu… Lúc đầu nhiều người lo ngại, tôi phải thuyết phục khá nhiều. Tất nhiên là rồi chúng tôi sẽ phải cố gắng hết sức về mặt chuyên môn.
Đúng là Hà Nội có những khu có thể diễn ra LUALA Concert, nhưng tôi thấy rằng, dự án này vốn đã có quá nhiều những thách thức (âm thanh, tiếng ồn, thời tiết, khán giả…) chúng tôi không muốn tạo ra cho dàn nhạc thêm một thách thức mới về việc tìm kiếm những chỗ biểu diễn khác nhau. Có thể nói, chúng tôi muốn chơi thật tốt trên “sân nhà”; rồi sau đó đi chinh phục xứ người cũng chưa muộn.
Nhà báo Vũ Thủy (Tạp chí Đẹp): Tôi xin hỏi về các hiệu ứng khán giả. Ở phương Tây thì thói quen đi bộ nhiều hơn mình. Còn ở ta thì 80% là đi xe máy và đi ô tô. Vậy thì có hai trường hợp được đặt ra:
– Người ta đi xe máy lướt qua, dù rất hay nhưng họ vẫn ngại dừng xe, chính vì thế dàn nhạc chơi sẽ rất ít khán giả.
– Hoặc là mọi người sẽ dừng lại rất đông, như từng thấy ở Hồ Gươm những hôm có ca nhạc, gây ách tắc giao thông.
Cả hai điều đó tôi đều thấy bất lợi cho tâm lý các anh chị biểu diễn. Ý kiến của các anh chị thế nào?
Ông Đỗ Ngọc Minh: Ở nước mình thì mọi người cũng mất dần thói quen đi bộ. Một trong những lý do khiến tôi làm dự án này ở địa điểm này là quanh khu Bờ Hồ hiện là khu đi bộ cuối cùng của Hà Nội. Chúng tôi muốn cùng chương trình này thì khu đi bộ ngày một hấp dẫn hơn. Tôi muốn cuối tuần mọi người mang gia đình và con cái đi bộ, sống với môi trường ngoài trời nhiều hơn, thay vì vui chơi ở các trung tâm hoặc trong nhà.
Nhà báo Chu Minh Vũ: Tâm lý chung của đám đông là khi đi trên đường thấy có gì lạ thì ghé mắt lại… Đó là ta đi trên giao thông có điểm đến rõ ràng, chúng ta không thể dừng lại vì một sự kiện nào đó được. Nhưng nếu sự kiện đó cố định, ta đã biết thì đó sẽ thành điểm đến cố định, và tôi rất hi vọng điểm đến của mọi người sau này là “LUALA Concert”.
Phóng viên Lê Thoa (Báo Đất việt): Nếu khán giả yêu mến nghệ sĩ quá đem tặng hoa hoặc tiền thì mình có gì đó để tiếp nhận tình cảm người ta không? Hoặc là nhân sự kiện gì đó có thể gây quỹ? Các anh chị đã nghĩ đến vấn đề đó chưa?
ĐNM: Đây là một góp ý mà BTC chúng tôi cũng chưa nghĩ tới; nhưng cũng rất cám ơn chị vì đề xuất này. Chúng tôi rất cởi mở trong việc lắng nghe và cùng xây dựng những ý tưởng mới, kể cả những dự án từ thiện. Vì vậy nếu các anh chị nhà báo/phóng viên có hoặc biết về những đề xuất như vậy thì rất mong anh chị sẽ cùng chúng tôi làm cho LUALA Concert ngày một có ý nghĩa hơn.
Phóng viên Lê Thoa (Báo Đất Việt): Các nghệ sĩ tham gia có được ưu ái gì không?
Ông Đỗ Ngọc Minh: Chương trình có tài trợ và có kinh phí, nhưng các nghệ sĩ đến với chương trình bằng tấm lòng nhiệt tình, muốn mang nghệ thuật ra với công chúng, không ai đặt nặng vấn đề đó cả. Cái đáng ghi nhận là tâm huyết của các nghệ sĩ sẵn sàng ra ngoài đường giữa tiếng ồn, hoặc có thể gặp những khán giả không hiểu biết, họ có những phản ứng không hay… Tôi nghĩ đó là điều đáng ghi nhận và ngợi ca.
Phóng viên: Các anh có định mở rộng phạm vi biểu diễn đến các thành phố khác nữa không? Vì chắc sẽ rất nhiều nơi muốn có những hoạt động như thế này.
ĐNM: Ban đầu thì vẫn làm ở Hà Nội trước. Còn đem đi đâu thì thực sự cũng khó. Ví dụ như trong Sài Gòn sẽ khó có khu vực không gian và thời tiết phù hợp. Trước mắt chúng tôi cố gắng làm tốt chương trình này ở Hà Nội đã.
Phóng viên Ngô Bá Lục (Vnmedia.vn): Ngoài những tác phẩm cổ điển nổi tiếng thế này không biết về sau có lồng thêm những bản nhạc dân gian để lôi kéo người nghe và các khách nước ngoài? Các anh có suy nghĩ đến việc kết hợp với một số ca sĩ hát nhạc dân gian như kiểu phối hợp phương Tây với phương Đông?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Âm nhạc giao hưởng chỉ thuần túy là âm nhạc thính phòng thì sẽ kém hấp dẫn với cả người Việt Nam lẫn người phương Tây. Tôi có bàn với anh Huy nhiều cách thức khác kết hợp giữa những ngôn ngữ âm nhạc khác, cùng với các nghệ sĩ trình diễn để thực hiện nhiều chương trình đặc biệt hơn trong tương lai. Vào buổi ban đầu mới tổ chức thì điều kiện vẫn chưa cho phép để làm những sự kết hợp như vừa nói. Nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ có vì nó sẽ tạo nên sự khác biệt giữa dàn nhạc này với các dàn nhạc khác. Bản thân tôi nghĩ dàn nhạc này sẽ rất là mở, chúng tôi không có gì gò bó cho dàn nhạc cả. Tất nhiên là phải có sự giúp đỡ của khu vực, tạo điều kiện thuận lợi để tố chức các chương trình thế này. Tôi nghĩ anh Minh và anh Huy đã rất dũng cảm làm chương trình hòa nhạc không thu vé phục vụ cho tất cả mọi người; làm như vậy thì ngay cả châu Âu cũng rất hiếm. Tôi mong báo chí cũng sẽ thúc đẩy cho nhiều người biết chương trình này hơn; có những người yêu nhạc tìm đến nghe thì bản thân chúng tôi và các nghệ sĩ sẽ rất phấn khích.
Phóng viên Vũ Thủy (Tạp chí Đẹp): Về tiêu chí thì rất hay là đưa âm nhạc cổ điển đến đông khán giả. Khán giả Việt Nam ít đi nghe không phải vì giá cao, vì vé ở Việt Nam rất rẻ, bằng một bữa người ta đi nhậu thôi; người ta ít đi vì nghĩ rằng nhạc cổ điển khó nghe… Vậy ngoài việc đó các anh chị có cái mẹo nào để cho người ta thấy nhạc cổ điển hoàn toàn không khó nghe?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Hoặc là người ta bỏ đi, hoặc là họ đứng lại gây ùn tắc. Cũng may là dòng nhạc này không có người ăn mặc hấp dẫn hay có múa may uốn éo. Thế nên tôi nghĩ trường hợp thứ hai sẽ không xảy ra. Những người đứng lại thì cũng phải có đôi tai khác thường. Việc làm bọn tôi có thể bị bối cảnh làm thất bại, nhưng thắng lợi của chúng tôi là ít nhất mỗi người dù đi xe máy qua đây có ít nhất 2-3 giây thứ âm nhạc chúng tôi muốn lọt vào tai họ. Nếu như một người ở trong rừng, sẽ không bao giờ họ biết được thế giới bên ngoài có những gì. Nếu như ông Mozart sống trong rừng, không bao giờ tiếp xúc với âm nhạc cổ điển thì chắc chúng ta cũng sẽ không có một Mozart lẫy lừng. Nhưng nếu, người đó chỉ có 2-3 giây để xem một cái gì đó đẹp, khác với những gì họ đã từng quen thuộc thì đó cũng là cơ hội để mở ra một cái nhìn mới cho bản thân họ và thậm chí cho cả xã hội sau này.
Phóng viên Thu Hà (Báo Tuổi trẻ TP.HCM): Chương trình có thay đổi về địa điểm và thiết kế sân khấu cho màu sắc âm nhạc đa dạng chứ? Và cho dù chương trình rất gần gũi và thân thiện những vẫn phải thể hiện được cái tính bác học khác với các loại hình nghệ thuật đường phố khác chứ?
Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Huy: Các loại hình nghệ thuật khác được trình diễn bằng loa đài, điện tử, vũ công… còn nhạc cổ điển là được chơi trong nhà hát lớn. Hãy coi việc diễn ngoài đường đây như một sự dũng cảm. Chúng tôi thấy ở đây áp lực chuyên môn là rất lớn, vì sau chuyện này các nhà phê bình sẽ đánh giá về chất lượng chuyên môn trước đã, bởi dàn nhạc chúng tôi quy tụ từ các nhân tố tốt nhất từ nhiều cơ quan: từ dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, dàn nhạc nhà hát kịch, nhạc viện Hà Nội.
Phóng viên Quỳnh Hương (Báo Phụ nữ TP.HCM): Biên chế của dàn nhạc thì dàn dây có cố định không hay có sự thay đổi theo từng chương trình?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Đây không phải là thay đổi cơ cấu do người đánh tốt hay người đánh không tốt, mà do chúng tôi sẽ cộng tác thêm với một thể loại gì đấy để không nhất thiết chúng ta nghe mãi một thứ âm nhạc. Đấy là tương lai… Còn trước mắt thì trong bảy, tám buổi diễn này chúng tôi hoàn toàn chơi cổ điển. Trong tương lai hoàn toàn có khả năng có cả ca sĩ kết hợp. Những thay đổi đấy sẽ có anh Hùng phối khí và dàn dựng.
Phóng viên Thanh Loan (Thời báo Kinh tế & Đô Thị): Được biết các tác phẩm cổ điển thường tập rất là lâu, và các tiết mục thường xuyên như vậy thì việc tập luyện như thế nào?
Nghệ sĩ Nguyễn Khắc Thành: Chúng tôi luyện tập từ tháng 9 đến bây giờ. Song song đó chúng tôi vẫn hoạt động nghệ thuật. Vấn đề chuyên môn tôi luôn đề cao. Tôi rất cảm ơn anh Xuân Huy: anh cũng là một trong những người chơi violon hàng đầu của chúng ta, là người rất tài năng nên những vấn đề thắc mắc của chúng tôi luôn được giải quyết ổn thỏa.
Phóng viên Ngọc Trâm (Vnexpress): Đây là một cuộc chơi rất khắt khe. Nhưng theo quan điểm người Việt Nam thì những gì miễn phí là không chất lượng?
Nghệ sĩ Nguyễn Khắc Thành: Ở đây chúng tôi sẽ không nói với các anh chị là chúng tôi chơi rất giỏi. Chúng tôi chỉ mời các anh chị xuống nghe chúng tôi chơi như thế nào. Chúng tôi tập hai tháng để chơi trong vòng hai ngày. Đấy là lượng tác phẩm chúng tôi tập trong ngày tháng vừa qua. Chúng tôi làm việc rất lâu, có thể buổi sau các anh các chị đến sẽ nghe tác phẩm hoàn toàn khác. Không phải là chúng tôi tập hai tháng để diễn trong hai tiếng.
Phóng viên Lương Ái Vân (Báo Phụ nữ Thủ đô): Các anh chị quen biểu diễn ở những nơi trịnh trọng, ăn mặc chỉnh tề… Các anh chị đã chuẩn bị tâm lý để ra một nơi ồn ào như thế này chưa?
Nghệ sĩ Nguyễn Khắc Thành: Thực ra không phải trong nhà hát lớn chúng tôi hoàn toàn tĩnh lặng. Thỉnh thoảng tiếng chuông điện thoại với ca khúc rất đắt show của giới teen bây giờ vang lên trong lúc chúng tôi đang chơi giai điệu rất du dương. Chúng tôi làm nghệ thuật thì chúng tôi chú trọng vào nghệ thuật. Các vấn đề bên ngoài như còi xe, tiếng ồn, la hét…thì chúng tôi không để ý đến nhiều. Chúng tôi chỉ muốn làm nghệ thuật theo cách tốt nhất cho mọi người thưởng thức.
Nhà báo Vũ Thủy (Tạp chí Đẹp): Một lời gửi gắm đến các nhà tài trợ và nghệ sĩ: cách đây 4 năm tờ New York Times đưa một nghệ sĩ nổi tiếng đến chơi trong ga tàu điện ngầm. Và họ điều tra bao nhiêu người chú ý người nghệ sĩ đó. Kết quả là ngay trên đất Mỹ cũng ít người biết có nghệ sĩ nổi tiếng chơi ở đó. Điều tôi muốn gửi gắm là cho dù có ít khán giả thì các anh cũng cố gắng tổ chức sự kiện mỗi năm hai lần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét